Buổi đối thoại hôm đó diễn ra khá cởi mở, với khoảng 50 câu hỏi - đáp. Một số doanh nghiệp xuất khẩu kêu khó về việc lệch số cân thực tế tại kho xuất sân bay Tân Sơn Nhất và tờ khai hải quan, dù tỷ lệ lệch thấp. Một số đơn vị bức xúc khi hệ thống mạng thường xuyên gặp sự cố như khi khai báo tờ khai đính kèm chứng từ, làm ảnh hưởng đến kế hoạch của doanh nghiệp…

Lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM và các chi cục đã trả lời các câu hỏi, công khai số điện thoại di động để doanh nghiệp liên hệ khi cần; đồng thời cho biết Tổng cục Hải quan đã có kế hoạch trình Bộ Tài chính điều chỉnh, thiết kế lại toàn bộ hệ thống mạng, phục vụ hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn.

Hệ thống đối thoại chính quyền - doanh nghiệp là một kênh được TPHCM lập ra nhằm lắng nghe kịp thời tiếng nói của doanh nghiệp. Ở đó, các sở ngành liên quan trực tiếp trả lời thắc mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý. Có những buổi đối thoại diễn ra từ sáng đến quá trưa, nóng hổi như một cuộc chất vấn, với nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp bức xúc như chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, thủ tục hành chính phức tạp…

Đối thoại là cơ hội để trao đổi rõ hơn, nêu nguyên nhân vướng mắc, các vấn đề tồn đọng trong hoạt động của doanh nghiệp cần khắc phục để tìm hướng giải quyết. Đây là việc làm hết sức cần thiết, tăng sự minh bạch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những vấn đề được giải quyết kịp thời thì có những vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế vẫn chưa thông.

Trong quý 1-2024, TPHCM có hơn 12.400 doanh nghiệp thành lập mới, hơn 5.300 doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng cũng có đến 15.600 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động và 927 doanh nghiệp giải thể. Bên cạnh những khó khăn tác động chung, có một nhận định đáng chú ý là do thủ tục hành chính còn cồng kềnh phiền phức, nhiều quy định pháp luật chưa đi vào cuộc sống…

Để tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp luôn mong các cơ quan chức năng lắng nghe nhiều hơn những phản ánh từ thực tế, bởi đây là đối tượng bị tác động trực tiếp từ chính sách. Đồng thời với nhận diện nguyên nhân, điều quan trọng là có hành động giải quyết kịp thời.

Việc tháo gỡ này rất cần sự quyết liệt từ cơ quan công quyền, tránh tình trạng như doanh nghiệp phản ánh là “trên trải thảm, dưới trải đinh”, cấp trên chỉ đạo quyết liệt nhưng “sức nóng” giảm dần khi triển khai đến cấp thấp hơn!

Việc tháo gỡ các rào cản đến từ thủ tục hành chính càng sớm chừng nào càng tốt chừng nấy, chính là sự khơi thông dòng chảy cho nền kinh tế, sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội. Lắng nghe và hành động!

KHÁNH CHÂU